Bôi trơn vung té
Khi động cơ làm việc,các chi tiết như trục khuỷu, thanh truyền, bánh răng…sẽ vung té dầu lên bề mặt làm việc của các chi tiết cần bôi trơn như xi lanh, các te, các cam…Ngoài ra, một phần dầu vung té dạng sương mù sẽ rơi vào các kết cấu hứng dầu của các chi tiết khác cần bôi trơn, như đầu nhỏ thanh truyền. Phương án bôi trơn này đơn giản, nhưng cũng như phương pháp bôi trơn bằng pha dầu vào nhiên liệu là khó đảm bảo đủ dầu bôi trơn cho các cổ trục. Vì vậy phương pháp này chỉ sử dụng ở động cơ có công suất nhỏ như động cơ xe máy, thuyền máy, bơm nước…
Bôi trơn cưỡng bức
Trong hệ thống này dùng bơm dầu để đưa dầu đến các bề mặt làm việc có ma sát. Dầu bôi trơn luôn được tuần hoàn và có một áp suất nhất định, thường khoảng 0,1 – 0,04 MN/m2. Hệ thống bôi trơn cưỡng bức có cấu tạo phức tạp, nhưng có ưu điểm là điều chỉnh được lượng dầu, tẩy rửa sạch bề mặt ma sát và hiệu quả bôi trơn tốt. Chúng thường dùng ở một số động cơ có cấu tạo đặc biệt và dầu không chứa ở các-te mà để ở một thùng khác như động cơ đặt ngược hay đặt boxer.
Bôi trơn kết hợp
Hầu hết các động cơ dùng trên xe hiện nay đều sử dụng hệ thống bôi trơn hỗn hợp gồm bôi trơn cưỡng bức và bôi trơn theo các-te dầu. Các chi tiết quan trọng chịu tảI trọng lớn như bạc cổ trục chính và bạc đầu thanh truyền, các bạc trục cam, các bạc đòn mở của cơ cấu phân phối khí… được bôi trơn bằng áp lực, còn các chi tiết khác như piston, mạt gương xi lanh, con đội, xu-páp, thân xu-páp và ống dẫn hướng xu-páp… được bôi trơn bằng dầu vung té.
Khi động cơ làm việc, dầu từ các-te được bơm hút qua phao lọc dầu, qua ống dẫn đến bầu lọc thô vào ống dẫn dầu chính. Từ ống dẫn dầu chính, dầu sẽ theo các ống dẫn dầu nhánh đi bôi trơn cho cổ trục cam, trục đòn mở và bạc cổ trục chính rồi qua lỗ và rãnh ở trong trục khuỷu để bôi trơn bạc đầu to thanh truyền và các cổ trục còn lại của trục khuỷu. Mặt khác, dầu cũng từ cổ biên, qua lỗ dẫn nhỏ theo rãnh dọc ở thân thanh truyền lên bôi trơn chốt piston. Sau khi bôi trơn tất cả các bề mặt làm việc của chi tiết, dầu lại chảy về các-te.
Các bộ phận giám sát hệ thống bôi trơn
Đồng hồ áp suất dầu: Đồng hồ này được nối với đường dầu chính để kiểm tra áp suất dầu và tình hình làm việc của hệ thống bôi trơn.
Đồng hồ nhiệt độ dầu: Đồng hồ này được nối với các-te để báo nhiệt độ dầu trong các te.
Thước thăm dầu: Chi tiết này dùng để kiểm tra mức dầu trong các te khi động cơ ngừng hoạt động.
Van ổn áp: Van này có tác dụng giữ cho áp suất dầu không đổi trong phạm vi tốc độ của động cơ. Khi áp suất dầu sau bơm cao hơn quy định thì van mở, một lượng dầu phía sau bơm sẽ qua van về lại phía trước bơm, nhờ vậy, áp suất dầu trên hệ thống bôi trơn luôn luôn ổn định.
Van an toàn: Khi bầu lọc thô bị tắc, van an toàn sẽ mở, phần lớn dầu không qua bầu lọc mà lên thẳng đường dầu đi bôi trơn cho các chi tiết, để tránh hiện tượng thiếu dầu bôi trơn các bề mặt cần bôi trơn.
Van nhiệt: Sau khi bôi trơn, dầu ở các te có nhiệt độ dầu quá cao (trên 80 độ C), do độ nhớt giảm, van nhiệt đóng để dầu qua két làm mát dầu rồi trở về các-te.